Đi chùa ở Nhật - 浅草寺

Đăng vào
7 phút
Đi chùa ở Nhật - 浅草寺

Ở Nhật Bản có hai tôn giáo chính là Thần đạo (Shinto - 神道) và đạo Phật. Từ thời Minh trị Duy Tân (năm 1868), Shinto được chọn làm quốc giáo và Phật giáo dần bị loại bỏ. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của Phật giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Việc 2 tôn giáo lớn cùng tồn tại khiến việc đi chùa ở đây cũng khác ở Việt Nam đôi chút.

Tết vừa rồi mình có đi chùa 2 lần, lần đầu thì ở Việt Nam đi như thế nào thì ở đây cũng như thế, đến lần thứ hai thì mới để ý và đi chùa (gần) giống người bản địa =))

Thực chất thì sau Thế chiến thứ hai Sensoji bị phá huỷ gần như toàn bộ. Dù mới được xây dựng lại nhưng do được coi là biểu tượng cho sự tái sinh của đất nước Nhật Bản nên nó vẫn được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Tokyo. Chắc hẳn ai đến Nhật nghĩ đến việc đi chùa thì sensoji sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên.

Việc đầu tiên cần làm khi đi lễ ở Nhật là rửa tay và miệng ở giếng nước (手水舎), mục đích của việc này là để gột bỏ bụi trần trước khi bước vào trốn linh thiêng. Thứ tự thưc hiện đúng là : Tay trái → Tay phải → Dùng tay trái để rửa miệng → Rửa lại tay trái → Rửa gáo → Đặt ngay ngắn lại chỗ cũ. 😅

Sau khi rửa tay bước sang ngay bên cạnh là một lư hương, có thể mua hương hoặc hít...chùa. Lấy 2 tay hất khói vào người, mục đích của việc này là mong cho may mắn và tài lộc sẽ đến với bản thân mình. Sau đó xếp hàng tiến vào chùa.

Trước khi lễ bỏ tiền vào hòm lễ (賽銭箱), thường thì người Nhật sẽ chọn đồng 5 yên cho việc này. 5 yên - ごえん = ご縁 đồng âm với chữ duyên. Có duyên thì sẽ gặp được nhiều điều tốt lành. Ngoài ra đồng 5 yên còn có lỗ ở giữa, được ví như có cái nhìn xuyên suốt được tương lai. Cơ mà đi với mấy ông bạn toàn thấy ném 10 yên để nhân đôi may mắn =))

Sau khi ném tiền xong sẽ đứng làm lễ, cần mất thêm 1 khoản tiền để được vào khu vực phía trong và được sư ở đây làm lễ. Theo như mình tìm hiểu thì lễ Phật sẽ không vỗ tay và cúi chào nhưng người Nhật vẫn vỗ tay 2 lần trước khi lễ và cúi chào 2 lần khi ra về.

Khi ra về sẽ đi bằng 2 cửa bên, thêm nữa ở khắp nơi trong chùa đều có đặt các hòm omikuji (おみくじ) - dịch ra tiếng Việt chắc là quẻ. Mỗi quẻ có giá 100¥ và bạn sẽ phải tự thanh toán bằng cách bỏ tiền vào thùng. Điều bất ngờ là dù người ở đây cực kì đông nhưng mọi việc diễn ra rất nhẹ nhàng và không tốn sức khoẻ 😁

Quẻ sẽ thường có nhiều loại. Thứ tự các thẻ được sắp xếp như sau:

  • Đại cát(dai-kichi, 大吉)
  • Trung cát (chū-kichi, 中吉)
  • Tiểu cát (shō-kichi, 小吉)
  • Cát (kichi, 吉)
  • Hung (kyō, 凶)

Thậm chí nếu đọc kỹ thì mỗi quẻ sẽ có nhiều loại khác nhau, có loại sẽ về sức khoẻ, loại về tiền bạc và loại về người yêu. Việc bốc quẻ mình thấy mang nhiều tính chất tinh thần hơn, nếu không may bốc phải quẻ không tốt, bạn có thể buộc vào cây thông (松-matsu) hoặc các giá gỗ đặt sẵn ở đó. Cây thông đồng âm với từ đợi (待つ-matsu) nên làm như thế khiến mọi người nghĩ rằng vẫn rủi sẽ ở lại trên cây. Còn nếu là một quẻ tốt thì nên để lại trong ví 😄

Dù sao thì việc bốc quẻ này cũng mang tính chất truyền thống, tượng trưng nhiều hơn. Minh chứng là 1 thanh niên bốc được quẻ đại cát vào buổi chiều vẫn để mất 2sen tiền poker vào buổi tối =))

Sau khi bốc quẻ bạn có thể mua thẻ gỗ (えま) để viết điều ước trong năm mới lên đó và để lại chùa. Mình cũng muốn viết nhưng giá của một thẻ ema không cho phép bản thân mình làm vậy 😂 Dù sao bạn này cũng viết hộ mình rồi =))

Lúc đầu mình cũng không hiểu mọi người xếp hàng làm gì, về nhà tìm đọc mới biết là bùa cầu may mắn trong năm mới. Nếu muốn làm bùa thì cần điền một bản đăng ký với chùa và xếp hàng đợi gọi theo số thứ tự. Giá của một bùa ở sensoji cũng khá đắt (5000-10000¥ gì đó) nên mình thành tâm thôi vậy 😓

Trên đường vào sensoji có một con đường rất dài bán đồ ăn và đồ lưu niệm, khu Asakusa cũng có rất nhiều hàng quán và tập trung rất nhiều khách nước ngoài. Đi chùa vào dịp Tết nên cũng có chút gọi là không khí quê hương.

Tầm này mọi năm đi làm, đi học về là thấy bà con xếp hàng từ Thái Thịnh ra đến Nguyễn Trãi, kín cả đường ra đến chân cầu vượt Ngã Tư Sở. Dù rằng mỗi nơi mỗi khác nhưng có thể thấy con người ở đâu cũng cần có điểm tựa về niềm tin, có tấm lòng hướng thiện và cả tinh thần Á Đông bị ảnh hưởng nhiều bởi đạo Phật.

Ngoài ra đi chùa và đặc biệt vào dịp Tết ở Sensoji, các chị em mặc kimono rất nhiều, vừa được nhìn quốc phục vừa được tìm hiểu văn hoá thì còn gì bằng nhể anh em 😌

Phật giáo phát triển mạnh ở các nước khu vực Đông, Nam Á, tuy nhiên điều thú vị là ở mỗi vùng tôn giáo này lại có những nét đặc trưng rất riêng. Ở Campuchia, Thái hay vùng người Chăm ở Việt Nam chúng ta có thể thấy sự hoà hợp giữa Hindu giáo và Phật giáo, đền chùa ở đây có tượng Phật và cả những vị thần như Shiva, Vishnu, kiến trúc cũng khác với khu vực phía Bắc - nơi hiếm hoi ở Đông Nam Á không bị ảnh hưởng một chút nào của Hindu giáo. Ở Nhật việc tồn tại song song 2 tôn giáo khiến Phật giáo ở đây cũng khác đôi chút. Như việc rửa tay trước khi vào chùa hay vỗ tay trước khi làm lễ cũng là nghi thức của Thần giáo. Thậm chí ở Sensoji cũng có đền thần nên việc phân biệt rõ ràng 2 tôn gíao này mình nghĩ là không quá cần thiết.

Mấy ngày Tết ở sensoji có tượng chó trắng của softbank rất to, theo như anh đồng nghiệp lý giải thì năm nay là năm Tuất nên đặt như vậy. Dù sao cũng là cách quảng cáo rất hay và sáng tạo =)) well played, softbank.

Bài viết dựa trên chút hiểu biết ít ỏi của bản thân và sự quan sát là chính, còn điều gì không đúng hoặc hay ho mọi người có thể cho mình biết nhé. Hết rằm rồi chúc anh em bắt nhịp lại được với công việc và có một năm mới thật hoành tráng. Có làm thì mới có ăn chứ nhỉ 👻