Điểm đến của cuộc đời

Đăng vào
9 phút
Điểm đến của cuộc đời

Con người từ khi sinh ra, vốn đã không bình đẳng. Địa điểm, thời điểm sinh ra, nền văn hoá bạn thừa hưởng đóng vai trò rất lớn vào thành công trong cuộc đời của một con người.

Trong cuốn Outliers - Những kẻ xuất chúng, Gladcom Maxwell đã từng có dẫn chứng cụ thể bằng số liệu về vấn đề này. Có những con người sinh ra đã ngậm thìa vàng tới tận cuối đời, cũng có những người sinh ra dù có nỗ lực đến thế nào vẫn le lói suốt kiếp. Nghệ thuật đầu thai là môn mà không phải ai cũng có thể học 😄

Thật may, vẫn còn thứ bình đẳng tuyệt đối giữa chúng ta. Dù có thìa để ngậm hay không, sự thật là mọi người đều đang chạy trong một cuộc đua mà không ai muốn về đích sớm.

Cái chết

Đây là cuốn sách đầu tiên của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang mà mình đọc và không thể đọc liên tục, dù khá ngắn. Viết về cái chết là một điều không hề đơn giản, đọc về cái chết cũng là một việc khó. Cuốn sách có thể đem lại cho người đọc nhiều góc nhìn mới về cuộc đời, về sự vô thường của số phận một cách nhẹ nhàng qua từng câu chuyện và những nhận xét, suy nghĩ ít tính giáo điều của tác giả. Nhẹ nhàng nhưng không hề dễ chịu và vui vẻ.

Bắt đầu vào sáng thứ 2 đầu đông, đi làm muộn bằng tàu điện thay vì đạp xe, mình có thêm 30 phút đọc sách. Mở màn là những miêu tả về một cái xác, phần lý tính của "sự chết", rồi tiếp đó là chặng đường cuối của một nhóc 10 tuổi bị ung thư xương...

...

Gần 20 năm trước, ngày gió mùa về, bà nội ngã, thanh niên lớp 2 chạy 1 mạch ra đầu nhà khóc một mình, giấu mọi người, vì thương bà. Đêm hôm đấy, lần đầu tiên thấy bố khóc, bà đi trước khi bố kịp về trên chuyến taxi đêm. Lần đầu tiên mình hiểu nhà có người mất là như thế nào, phải đứng đáp lễ khách viếng ra sao, lần đầu tiên ra "bãi" ở tít đầu làng, gần đê tả sông Hồng.

Một cuối tuần mùa đông năm 3 đại học, anh chị em bên ngoại tụ tập đông đủ, chắc hẳn hôm đó bà ngoại đã rất vui và cũng đã rất cố gắng, vì đó lần cuối bà quây quần bên con cháu. Bà đi ngay trước khi mấy đứa nhỏ lên xe về thành phố. Ông ngoại bần thần, không khóc, lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở góc nhà.

2 giờ sáng mùa hè một ngày tháng 5 năm 4 đại học, mình lững thững, vô hồn đi bộ từ Viện Huyết học về tới ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến trước khi bắt taxi về nhà, thu dọn đồ để hôm sau cùng Đoàn trường Đại học Bách Khoa về Hà Tĩnh. Cậu bạn cùng lớp còn đá bóng cùng hồi tháng 1 vừa qua đời. Với một thanh niên đôi mươi, lần đầu tiên mình thấy cái chết luẩn quẩn quanh mình đến gần như thế.

Nỗi buồn đúng như tác giả có nói, hiện về như những cơn sóng, càng ngày càng lớn khiến con người trở nên mệt mỏi vì chống đỡ. Ai có thể dễ chịu khi đứa nhóc 10 tuổi tạm biệt mẹ mình một cách ngây ngô và cũng thật khó để không đau lòng khi bản thân (không biết may mắn hay xui xẻo) đã chứng kiến một hoàn cảnh như vậy.

Phía sau cái chết

Biểu đồ do Bertrand Grondin phát triển dựa trên ý tưởng  về 5 trạng thái của nỗi buồn của Kübler-Ross

Denial - Anger - Bargaining - Depression - Acceptance
(Từ chối - Giận dữ - Mặc cả - Trầm cảm - Chấp nhận)
> - The Five Stages of Grief® model by Kübler-Ross

Mình rất tâm đắc với câu trả lời cho câu hỏi "Bạn muốn chết trước hay sau vợ/chồng bạn?" trên quora:

This question is tough because the truth is, none of us have control over who goes first or how much notice we get when we may lose a loved one. Live , love, laugh, and repeat! Some of my friends look at me like I am crazy when I say I was lucky. I didn't mean I was lucky my wife had cancer and passed away, I meant I was lucky I got nearly an entire year to spend with her, check off items on her bucket list, travel to places we haven't been together, revisit places we loved, and leave nothing unsaid. Anyone who has the chance to do these things with a loved one is LUCKY.
- Joe Holleman

May mắn, thật bất ngờ cũng là từ mà một trong hai người mẹ có con qua đời vì ung thư rất hay nói. Người mẹ đó đã mạnh mẽ đứng dậy, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh giống mình vượt qua 4 giai đoạn đầu. Người mẹ còn lại mắc kẹt ở giai đoạn 4 và chọn cách dừng lại.

Sơ đồ hai kết quả có thể xảy ra của nỗi buồn do Jobcentre Plus phát triển

Giờ thì đã có thể thể hiểu được những câu thoại mà mình từng coi là sến kiểu "tôi muốn được chết trước ông/bà". Đúng là chứng kiến người mình yêu thương ra đi đôi khi còn đau đớn hơn việc mình là người xấu số. Nhưng ngẫm thêm một chút, thay vì để người mình yêu thương chịu đựng nỗi đau đó thì "tôi muốn ông/bà chết trước, tôi lo cho ông/bà xong rồi đi sau" rõ ràng là lựa chọn dũng cảm hơn.

Phía trước cái chết

It's not enough to have lived. We should be determined to live for something.
> - Winston S. Churchill

Hiện tượng người sắp chết bỗng dưng khoẻ mạnh, minh mẫn trở lại được gọi là "Hồi quang phản chiếu" (terminal lucidity). Con người cũng như ngọn nến, nóng bỏng, mạnh mẽ lúc sống nhưng trở nên yếu ớt trước những con gió của cuộc đời, lúc sắp tàn cũng là lúc đẹp nhất. Nhân chi sơ tính bản thiện, khi sinh ra ai cũng có tính hướng thiện, cũng mong muốn có một cuộc sống thật đẹp nhưng để có một cái chết đẹp không phải là điều ai cũng hướng tới.

Sau cái chết, chỉ còn lại sự đau khổ của người ở lại. Việc cố gắng chạy chữa tới hơi thở cuối cùng chỉ là liều thuốc tinh thần cho những người còn sống. Đôi khi buông bỏ, đối diện với cái chết của chính mình, của người thân lại là điều đáng được trân trọng. Để cái chết được thanh thản, đẹp đẽ, giúp đỡ nhiều cuộc đời khác lại tuyệt vời hơn nữa. Ở phần cuối của cuốn sách, tác giả có nói đến việc hiến tạng, việc chuẩn bị cho cái chết của cả những người đi lẫn người ở lại. Trịnh Công Sơn coi một kiếp người như kiếp ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời. Để lại căn nhà trọ để cứu giúp những kiếp người lận đận khác phải chăng là điều đẹp đẽ nhất một người có thể làm trước lúc ra đi?

Ở trọ, lắm bạn bè, không quạnh quẽ
Thân xác này ở trọ thì tâm hồn ta phải sạch sẽ
Sống sao để không thẹn cả lòng
Kết duyên, không nợ, cứ đụng hẹn trả phòng
> Ở trọ + Biển nhớ - Richchoi ft Hà Lê

Điều tệ hơn cái chết là một cái chết đau đớn, cô đơn.

Cái gục ngã đầy ảm ảnh của Michael Corleone trong Bố Già

Quay trở lại với cái thìa, ở ngoài kia có bao kẻ ngậm thìa vàng, thìa bạc vẫn đang cố gắng, nỗ lực hết mình từng ngày. Nếu bạn không có thì bạn sao lại đòi hỏi, lãng phí thời gian. Ai cũng sẽ chết, sẽ về đích nên hãy cố gắng để chạy xa nhất bạn có thể. Để đến lúc về đích sẽ nằm vật ra vì mệt chứ không phải còn dư sức để đứng ngoái đầu lại đầy tiếc nuối.

...

1h đêm đầu đông Hà Nội nhiều năm trước, sau trận bóng-bia với mấy anh em, trời mưa xối xả, chếnh choáng bước tới cửa nhà. Cửa vẫn mở, bố đã ngủ trên chiếc giường gấp ngoài phòng khách, TV vẫn còn bật, mẹ đã ngủ trong phòng, đèn bàn còn bật sáng. Thằng con trai bất hiếu người ướt nhẹp nhưng lòng ngập tràn hạnh phúc, cảm ơn vì đã may mắn, dù ngoài kia có giông tố bão bùng, bố mẹ, gia đình, bản thân (trộm vía) vẫn còn đang khoẻ mạnh, bình an.


Note chỉ là tóm gọn lại những ý nghĩ vụn vặt của bản thân trong lúc đang và đọc xong cuốn sách chứ không đi sâu phân tích. Với mình, cuốn sách nào mà khi đọc xong khiến bản thân phải suy nghĩ, phải đắn đo, phải hành động là một cuốn sách hay. Có thể nó không xuất sắc về mặt nghệ thuật, không dùng nhiều mỹ từ, không nhiều triết lý, giáo điều nhưng "Điểm đến cuộc đời" là một cuốn sách có ý nghĩa giữa những sách bìa đẹp nhưng nội dung sáo rỗng.

Tự dưng thèm một buổi nói chuyện về sách của Bookichi. Hi vọng anh chị em đều khoẻ mạnh và hi vọng chúng ta sẽ gặp lại vào một ngày không xa 😉

Tokyo, tháng 11 năm Covid-19 số 1

PS: Rate 3.5/5 cho quyển sách này của chú Giang ;)