Mùa Đông

Đăng vào
5 phút
Mùa Đông

Tokyo cũng giống Hà Nội có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hà Nội còn có thêm mùa Nồm, không biết sinh ra nhằm mục đích gì. Năm nay, thời tiết Tokyo chuyển lạnh đột ngột, tự dưng có cảm giác giống mùa Đông Hà Nội, làm tôi lâu rồi mới được trải nghiệm mùa Đông fake 1.

Đêm Đông Phan Đình Phùng. Ảnh: soha.vn

Phần lớn mọi người thích mùa Thu hơn mùa Đông, minh chứng là số bài hát, thơ về mùa Thu nhiều hơn hẳn mùa Đông. Tôi nghĩ lý do rất đơn giản, khi trải qua địa ngục, chỉ cần gặp thứ gì đó dễ chịu, người ta sẽ coi nó là thiên đường. Mới trải qua mùa Hè mà đã vội yêu mùa Thu, điều này khá giống với các anh chị vội vã lập gia đình sau chia tay tình cũ vài tháng, thật là thiếu kiên nhẫn.

Mùa Đông Hà Nội thường bắt đầu vào cuối tháng mười một dương lịch. Vào ngày đầu tiên, để kỷ niệm tôi thường không đi học, gặp gỡ, hẹn hò hay làm bất cứ thứ gì, trừ đi dạy thêm vì xét cho cùng, tôi vẫn cần tiền để lười.

Buổi sáng bắt đầu bằng một bát phở tái ở quán quen từ thời cấp 3, sau đó tôi di chuyển lên phố uống cafe như dân Hà Nội xịn. Thú thật, tôi không phải người Hà Nội xịn, càng không phải dân sành cafe, chỉ có thể phân biệt qua độ chua và độ run của tay sau khi uống. Việc chọn quán phần nhiều dựa theo giới thiệu và túi tiền.

Cà phê trứng ở Giảng

Lần cuối cùng tôi đến Giảng, cafe trứng vẫn có giá mười hai nghìn. Cafe trứng nóng được rót ra chén sứ, đặt trong một bát nước nóng, uống bằng cốc thì phải vươn người ra trước để nước đỡ rơi vào quần. Mà thường thì sẽ uống bằng thìa, một phần để cho thanh lịch, phần lớn hơn là để uống được lâu, đỡ phải uống nước lọc trong phần còn lại của buổi cafe. Ngoài Giảng ra, ngày bé tôi cũng hay lên Đinh vì có ban công nhìn thẳng ra ba buồng vệ sinh công cộng bên bờ Hồ Tây. Lớn hơn, khi đã ý thức được sự quý giá của thời gian, thay vì đợi chỗ ngồi đẹp ở ban công, tôi chuyển qua Duy Trí ở Yên Phụ. Quán có ba tầng, cũng có ban công, cố nhìn qua khe dãy nhà bên đường vẫn thấy được Hồ. Ngoài ra cafe được rang thủ công ở chân cầu thang tầng một, xay ra và pha bằng phin nhôm nên cảm giác khá gia truyền. Tôi trộm nghĩ, hai mươi lăm nghìn để mua cái sự gia truyền thì không phải là một giá quá đắt.

Cafe Duy Trí bốn ba Yên Phụ

Sau buổi dạy thêm, tôi thường ghé quán bà Tứ ở ngõ một Nhân Hoà ăn cháo tim cật. Từ hồi lớp hai, mẹ tôi vẫn thường dẫn tôi ra đây ăn món này mỗi lần tôi hoặc chị gái bị ốm. Bà Tứ chủ quán có cô con gái học trên tôi một lớp ở trường tiểu học. Đến tận năm cuối đại học, mỗi lần tôi ghé quán, dựng xe ngồi vào bàn là có ngay bát cháo mà không cần phải gọi. Cô con gái giờ đã lấy chồng, có một con, có vẻ nhà chồng gần nên rất hay qua phụ. Điều tôi không thích là mỗi lần tôi qua ăn, chị hay hỏi "mày lấy vợ chưa?".

Starbucks Reserve Roastery Tokyo

Tokyo hiện đại và tiện lợi hơn nhiều, sáng ra chạy 3 bước ra conbini là có ngay 1 cốc latte, lười hơn thì có 9981 brand cafe với 7749 cách pha và không có bột đậu. Uber Eats, Demaecan,... và hầu hết các quán đều có giao hàng tận cửa. Ở đây, vào mùa Đông, tôi có thể lười một cách triệt để từ sáng tới đêm. Giờ ở Việt Nam hình như cũng có NOW, Beamin,... chỉ cần bỏ thêm 1 cốc cafe trứng là có ngay 1 ly Starbucks Espresso Con Panna béo ngậy tận cửa. Tiêu chuẩn sống cũng cao hơn, sau hàng loạt những tin bài đầu năm 2012 về cafe bột đậu, cafe bẩn thì các bạn trẻ giờ đây đã quen nhiều hơn với cafe Tây pha bằng máy dùng hạt Arabica, ngồi trong quán điều hoà, có ghế nệm êm cùng nhiều góc check-in đẹp.

Hanoi - ảnh mượn cô bạn Anh Uông

Ai cũng có một Hà Nội của riêng mình vì đơn giản mỗi người có một cách lớn lên khác nhau, không có đúng hay sai, chất hay không chất. Khi đời sống vật chất đi lên, nhu cầu của con người cũng sẽ cao hơn. Thứ cafe Robusta rang cháy kèm bột đậu pha phin rồi sẽ không còn nằm trong thực đơn của dân sành cafe, quán cháo ngồi ghế nhựa bên trong ngõ nhỏ rồi sẽ không đáp ứng được chuẩn mực an toàn vệ sinh tối thiểu... Nhưng nếu có dịp trở về Hà Nội, tôi sẽ vẫn uống cafe bột đậu vào một sáng mùa Đông hay ghé quán bà Tứ làm bát cháo tim cật. Tôi không dám đoạn tuyệt với chúng, vì tôi sợ vứt đi kỷ niệm rồi thì tôi không còn biết mình là ai nữa.

Ảnh bìa by Nhat Nguyen Hoang on Unsplash